TIN TỨC

TRANG CHỦ TIN TỨC Nội dung

[BÁO NGƯỜI ĐÔ THỊ] Vũ Khắc An: Cứ đi, lối sẽ thành đường

Câu chuyện khởi nghiệp của người đứng đầu công ty BYS - Vũ Khắc An chứa đầy nỗ lực, cay đắng nhưng cũng không thiếu ngọt ngào và một chút "gia vị" đặc biệt mang tên số phận. Trong bối cảnh đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt thiệt hại hàng chục triệu USD vì triển khai không thành công giải pháp phần mềm ERP, có thể nói BYS là đơn vị đầu tiên triển khai thành công hệ thống hiện đại này cho nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, nội thất tại Việt Nam.

An trông trẻ hơn so với cái tuổi “8x đời cuối” của mình. Thân thiện nhưng An khá ít nói, nhất là nói về mình. “Dân kỹ thuật, ai chẳng vậy”, An cười phân trần. 

Cuộc gặp định mệnh với bậc thầy ngành ERP

Tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích kinh doanh; Phân tích và Thiết kế hệ thống của Khoa Công nghệ thông tin Đại học Western Sydney (Úc), tính đến nay An đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong phân tích, thiết kế hệ thống, quy trình và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Năm 2005, trở về Việt Nam, trong hoạch định đời mình, An không nghĩ sẽ bước vào kinh doanh. Anh chọn đầu quân cho một công ty công nghệ của Đức trong vai trò người phân tích thiết kế (Business Analysis). Đây cũng là một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài nhanh chân tham gia vào thị trường ERP tại Việt Nam. 

ERP là một giải pháp phần mềm hỗ trợ quản trị một công ty. Phần mềm này không sử dụng cho từng cá nhân mà sẽ giúp doanh nghiệp trong các hoạt động thường nhật. Chức năng chính của ERP là tích hợp tất cả phòng ban, mọi chức năng của công ty lại trong một hệ thống máy tính duy nhất để dễ theo dõi hơn. Nói cách khác, ERP như một phần mềm khổng lồ, chứa nhiều phần mềm con, có khả năng quản lý những việc về tài chính, nhân sự, sản xuất; quản lý chuỗi cung ứng và rất nhiều những thứ khác. 

Doanh nhân Vũ Khắc An

Vì tính ứng dụng và lợi ích mà ERP mang lại rất cao nên để triển khai ERP, doanh nghiệp có thể phải chi trả hàng chục triệu USD mới hy vọng có được phần mềm tổng thể này. “Câu chuyện của thị trường ERP tại Việt Nam thời điểm đó gần như là con số âm. Tất cả doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam đem hệ thống từ công ty mẹ về ứng dụng vô cùng thuận lợi nhưng phần lớn doanh nghiệp bản địa có đầu tư triệu USD cũng không thu được kết quả gì”, An nói. 

Nguyên nhân thất bại thì nhiều, do nguồn dữ liệu nền của các công ty Việt Nam không bài bản như các công ty nước ngoài, do cơ chế quy trình, do cả nhân lực tham gia vì trang bị ERP cũng đồng nghĩa là mọi thông tin của doanh nghiệp phải rạch ròi, không có bất cứ khuất tất nào... Nhưng, lịch sử hơn 30 năm ERP của thế giới chứng minh, đây là con đường tốt nhất nếu doanh nghiệp muốn bứt phá và phát triển bền vững. 

Quyết tâm “chinh chiến” ở Việt Nam, công ty cử An cùng 8 đồng nghiệp sang tổng hành dinh ở Đức tu nghiệp và làm việc, hoạch định cho tương lai khi An trở về sẽ giúp công ty chiếm lĩnh thị trường. Ba năm xa gia đình với nhiều thử thách. Định mệnh mở cánh cửa mới cho An vào những ngày anh nghĩ là khó khăn nhất. An kể, không thể thích ứng lệch múi giờ ở trời Tây, anh là người thường xuyên ở lại công ty, làm việc đêm. Không ngờ, trong công ty hàng đêm không chỉ có An mà còn có một giáo sư người Đức, bị rối loạn giấc ngủ. Giờ ông làm việc cũng là lúc An mày mò viết phần mềm. 

Trao đổi cùng nhau một thời gian, An mới biết, “bạn đêm” của mình là một bậc thầy trong ngành ERP. Tất cả những mô hình ERP trên thế giới, vị giáo sư ấy đều nghiên cứu và phát triển thêm rất nhiều tình huống phát sinh. Thấy chàng trai người Việt cần cù, chịu khó học hỏi, giáo sư thương như con, sẵn sàng truyền thụ tất cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Như hổ được chắp thêm cánh, ngày trở về Việt Nam, trong An hừng hực quyết tâm. Đáng tiếc, thị trường vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Sau nhiều năm cố gắng, công ty mẹ quyết định rút khỏi Việt Nam. Nhận được lời mời sang Đức tiếp tục làm việc nhưng An vẫn nhẹ nhàng từ chối. Đã có một ước mơ khác nhen lên trong An.

Đi tìm tiếng nói của giấc mơ 

“Nếu ERP triển khai thành công, chủ doanh nghiệp sẽ là người chủ thực sự, ra quyết định thuyết phục hơn nhờ số liệu chính xác, mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị (Any Time - Any Where - Any Device). So với cách đây 10 năm, hiện nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đạt hiệu quả từ việc mạnh dạn đầu tư ERP vẫn chưa nhiều. Đó thực sự là một đại dương xanh”, An nhận định. Chia sẻ giấc mơ khởi nghiệp bằng ERP với người dìu dắt mình ở trời Tây, An nhận được từ vị giáo sư ấy sự khích lệ chân thành. Đó cũng là động lực để An vững tâm hơn trên con đường của mình. 

Thành lập tại Việt Nam năm 2010, Công ty cổ phần BYS là đơn vị phát triển và cung cấp dịch vụ tư vấn, triển khai ERP, cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi lớn của quốc tế lẫn trong nước. Không thể trực tiếp đương đầu với các “ông lớn”, An chọn kinh doanh theo ngách nhỏ. Lựa chọn này, cũng xuất phát từ một duyên lành khi An tình cờ gặp người đứng đầu Lâm Việt, một doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, đang khao khát có ERP để tái cấu trúc trong bối cảnh kinh doanh ngày càng biến động. 

An chia sẻ: “Ngành gỗ là ngành không dễ ứng dụng ERP như các ngành khác vì quy trình sản xuất rất phức tạp, nhiều công đoạn và sự tham gia của nhân công rất nhiều”. Để thực sự hiểu mọi quy trình, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp, An phải đến Lâm Việt, làm việc trong vai trò trợ lý tổng giám đốc trong hai năm liền. Vừa tìm hiểu, vừa viết lập trình cho ERP ngành gỗ. “Trở ngại lớn nhất của chúng tôi lúc đó là làm sao thuyết phục các quản lý cấp cao, cấp trung đồng tâm, đồng lòng vận hành hệ thống này”, An nhớ lại. 

Dù gặp nhiều trở ngại, thậm chí có lúc không còn tiền, phải vay mượn để trả lương cho nhân viên, nhưng cuối cùng quá trình “nằm vùng” của An cũng thu được kết quả. Một hệ thống ERP của riêng An đã thành hình, và ứng dụng rất khả quan.

Giải pháp BYS WOOD đã ứng dụng thành công tại Công ty Lâm Việt, giúp đối tác này bứt phá ngoạn mục nhờ vào quản lý sản xuất tốt, chống thất thoát nguyên vật liệu. Ảnh: NVCC    

Thời gian đầu, ERP giúp Lâm Việt bứt phá ngoạn mục nhờ quản lý sản xuất cực tốt, chống thất thoát hơn 40% nguyên vật liệu. Tuy nhiên, trong lúc đang phát triển, An phát hiện hệ thống chưa ổn do dự tính chưa đủ các kịch bản phát sinh trong toàn bộ quy trình hoạt động. Nguyên nhân cốt lõi là do doanh nghiệp thiếu hệ thống dữ liệu nền tảng.

Đây là “bệnh” chung của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vì đã không ứng dụng công nghệ ngay từ ban đầu. Để khắc phục, An phải thuyết phục Lâm Việt chấp nhận trở về điểm khởi đầu. Quyết định này thực chất không dễ dàng bởi ngoài những tổn hao tài chính còn rất nhiều yếu tố khác nhưng người đứng đầu Lâm Việt vẫn quyết liệt làm đến cùng. 

Trong lần thứ hai xây dựng, Giải pháp quản lý tổng thể BYS WOOD của BYS mới thành công, với tỷ lệ triển khai cho ngành gỗ là 100%. Đây thực sự là bước ngoặc bởi không chỉ trong nước mà ngay cả ở quốc tế, hệ thống ERP dành cho ngành gỗ cũng rất hiếm. Chính nhờ vậy mà sau Lâm Việt, danh sách khách hàng của BYS còn có Green Home, Tavico, Trung tâm nội thất Phố Xinh, Chi Lai...

Đầu năm 2017, BYS ký hợp đồng với Lebaohan Décor & K-Group để phát triển thêm phân hệ Quản lý dự án thi công cho các công ty tư vấn thiết kế, sản xuất nội thất, thi công lắp đặt. “Giải pháp quản lý tổng thể BYS WOOD của chúng tôi đang được các doanh nghiệp này ứng dụng thành công và trải dài theo chiều dọc của ngành”, An phấn khởi. 

Hiện BYS mới thành lập chi nhánh, cũng là Trung tâm R&D tại Đà Nẵng với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản phẩm theo tinh thần của cách mạng công nghiệp 4.0. An bảo, giải pháp ERP của BYS thời gian tới sẽ được ứng dụng những công nghệ mới, đồng thời triển khai trên tất cả các nền tảng thiết bị di động (iOS, Android) để phục vụ nhu cầu Marketing, Sales, Quản lý chất lượng, Quản lý dự án, Quản lý năng suất... cho doanh nghiệp. Khát vọng của An là có thể “xuất khẩu” Giải pháp BYS WOOD ra thế giới, trước mắt là các nước ASEAN trong vòng 3-5 năm tới.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đánh giá, một hệ thống công nghệ hoàn toàn “made in Vietnam” vươn ra thế giới như An quyết tâm là có thể thành sự thật, vì cơ bản An đã làm tốt phần công nghệ, chỉ cần đầu tư thêm thiết kế giao diện. “Tôi không quan tâm phía trước con đường của mình đang có những trở ngại nào. Chỉ tập trung làm tốt hiện tại là được. Cứ đi, lối sẽ thành đường”, An bảo vậy 

Bài: Phương Quyên - Ảnh: Quý Hòa

Link nguồn: http://nguoidothi.net.vn/vu-khac-an-cu-di-loi-se-thanh-duong-12076.html

Chuyên mục: Báo chí viết về BYSSự kiện - Hoạt động

Thẻ: